Đã đi làm nghề khác, giờ học code có muộn không

hoc_code_1

Lập trình viên nhận được câu hỏi này nhiều lắm, và câu trả lời của họ luôn là: Không, học code không hề muộn, thậm chí bạn còn có thêm lợi thế. Dưới đây là những trải lòng của một Coder chính hiệu từ diễn đàn Tinh Tế.

Kĩ năng code là luôn cần thiết, kể cả khi bạn không theo ngành tech

Bạn làm tài chính, bạn làm kế toán, bạn làm quản lý vận hành thôi, chả liên quan gì tới IT cả. Nhưng đôi khi bạn vẫn phải làm phân tích, đôi khi bạn phải làm Excel với độ phức tạp rất cao, và có khi bạn sẽ phải viết macro hoặc Google App Script để tự động hóa công việc của mình mỗi ngày. Đó là những lúc mà kĩ năng về code sẽ giúp bạn rất nhiều. Nếu 1 người không biết code, họ phải làm tay nhiều hơn, họ thiếu đi một kĩ năng mà bạn có, tức là bạn có được lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động, thì chẳng phải là quá tốt hay sao?

Thêm nữa, việc học code, tuy không phải là chuyên để làm phần mềm thì cũng giúp bạn hình dung được các hệ thống máy tính chạy ra sao, người ta làm ra cái phần mềm bạn đang dùng như thế nào, và bạn có được một đầu óc logic và suy nghĩ được như một… cái máy. Cái này lợi hại lắm nha. Kinh nghiệm của mình đi làm mà chạy dự án chung với các bạn làm business nhưng biết code một chút thì dễ hơn nhiều, dự án xong nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Ngành tech có nhiều vị trí lắm

Khi nhắc đến nghề làm tech, làm IT nói chung, người ta thường nghĩ tới những thằng ngồi viết code, hay còn gọi là lập trình viên, giống như mình nè. Nhưng thực ra ngoài lập trình viên thì trong nghề còn có nhiều vị trí khác cũng quan trọng không kém, ví dụ như các bạn làm về phân tích dữ liệu (data / business analyst), kỹ thuật dữ liệu (data engineer), làm quản lý sản phẩm (product manager), làm chuyên viên phân tích nghiệp vụ (cũng gọi là business analyst), rồi có cả quản lý cơ sở dữ liệu, quản lý dữ liệu, quản lý hệ thống…

hoc_code_2

Có rất nhiều vai trò như vậy, cũng có nghĩa là yêu cầu về khả năng “code” cũng khác nhau. Có những thứ cần code rất nặng, có những thứ chỉ cần biết và hiểu nguyên lý. Tùy theo cái mà bạn đang theo đuổi mà bạn sẽ xác định xem mình cần học nhiều đến đâu, nên cũng đừng quá áp lực hay căng thẳng khi mới bắt đầu. Có khi bạn vừa học vừa làm, bạn sẽ biết được mình thích cái gì và đôi khi bạn thậm chí còn không cần code nữa luôn á.

Học code không khó

Thực ra việc lập trình nó không khó như bạn nghĩ đâu. Bạn học được công thức Excel, thì chắc chắn bạn sẽ học lập trình được, thậm chí với mình thì cái công thức Excel nó còn khó hơn mấy đoạn code của mình nữa kìa ? Tất cả đều đi chung logic, có những điều kiện này thì làm gì, gặp điều kiện kia thì làm gì, có một chuỗi này thì xử lý ra sao, có nhiều số trong một mảng thì xử lý như thế nào…

Có nhiều ngôn ngữ để bạn có thể bắt đầu học code. Mình thấy trường mình (RMIT) ngày xưa dạy Python cho các bạn ngành kinh doanh vì ngôn ngữ này dễ, sát với tiếng Anh mà khả năng vận dụng lại rất lớn. Nếu hỏi mình, mình cũng khuyên các bạn đã đi làm mà muốn tìm hiểu code thì nên học Python. Học xong bạn có thể làm được rất nhiều thứ, từ phân tích dữ liệu, xây các hệ thống vận hành cho đến các thuật toán về AI, machine learning.

Một ngôn ngữ khác có thể bắt đầu là JavaScript, tuy hơi phức tạp chút nhưng nó là cái tạo ra những trang web mà bạn dùng mỗi ngày, việc hiểu biết về JavaScript giúp bạn xây dựng được các website từ những bước cơ bản nhất. Nhưng nếu bạn chỉ đơn giản là muốn học code thì mình vẫn khuyên Python.

Kinh nghiệm đi làm của bạn chắc chắn sẽ giúp cho bạn khi bạn chuyển ngành

Giả sử bạn học code để bắt đầu chuyển sang làm nghề về tech, thì những kiến thức và kinh nghiệm mà bạn đã có không hề phí đâu. Ví dụ, bạn là marketing nhưng đi làm lập trình viên cho một hệ thống thương mại điện tử, khi đó kiến thức về thị trường, về các tỉ lệ chuyển đổi (conversion rate), sự hiểu biết về hành vi người dùng sẽ giúp bạn code hiệu quả và nhanh hơn. Hoặc bạn đang làm vận hành nhưng đi code cho một công ty bán lẻ, bạn sẽ biết được nhân viên dưới cửa hàng thường phải làm các thao tác nào, họ có thể sắp phải làm thêm việc gì, và quy trình này khi đưa lên hệ thống thì có lỗ hổng nào thường xảy ra…

hoc_code_3

Với các kiến thức mà bạn đã có, thậm chí bạn còn có lợi thế hơn so với những người đã học code từ lâu nhưng lại không có kiến thức về business. Nó là lợi thế cạnh tranh của bạn đấy, và nó thật sự giúp ích cho việc làm của bạn mỗi ngày luôn, có khi còn được lương cao hơn nhờ vào những kĩ năng, kiến thức và kinh nghiệm trước đó của bản thân.

Cuối cùng, khi bạn quyết tâm thì bạn sẽ làm được

Tiêu đề của mục này đã nói lên tất cả, bạn muốn thì bạn sẽ làm được. Tất nhiên, bạn cũng phải thích nữa, vì học cái gì mà không thích thì rất dễ nản, học được tí là bỏ thôi. Mình hi vọng rằng bạn cũng thích công nghệ như mình, khi đó việc học code sẽ trở nên cực kì thú vị, bạn sẽ khám phá ra được nhiều thứ hay ho mà trước giờ bạn thậm chí còn không biết là chúng tồn tại.

Và mình cũng hi vọng rằng ngoài chuyện thích, có quyết tâm thì bạn cũng thật sự có khả năng để làm. Mình đã từng thấy một số người bỏ cuộc khi học code, chỉ đơn giản vì họ không phải một người phù hợp. Bạn giỏi thứ khác hơn, code không phải dành cho bạn. Tình huống này vẫn có thể xảy ra, và chỉ có bản thân bạn mới biết được thôi. Hãy nghĩ kĩ xem mình thích gì, muốn làm gì, muốn trở thành một người ra sao để có hướng đi phù hợp với những gì bạn thân làm được nhé.

Bạn có thể tải về một tài liệu Python rất là cơ bản tại đây:

Tài liệu Python cơ bản

Nguồn: Tin bài & ảnh Diễn đàn Tinhte.vn

5/5 - (2 votes)